Cuộc sống vốn dĩ luôn tồn tại những niềm vui và nỗi buồn đó là những trạng thái bình thường của mỗi con người, nhưng có những người thì nỗi buồn lại nhiều hơn những niềm vui, chẳng nỗi buồn nào có thể đặt tên và đo đếm được. Tôi vốn dĩ hay lang thang trên mạng xã hội Facebook tôi gặp bạn bè tôi nhìn họ hỷ nộ ái ố thể hiện đầy đủ các cung bậc cảm xúc mỗi con người trên mạng, đang buồn ngủ thì thấy có một status có nhiều dấu hỏi khiến tôi phải suy ngẫm rất nhiều: “Buổi chiều thấy con cầm đĩa bánh đi mời các bạn trong xóm mà không ai nhận và chơi cùng. Con chỉ muốn được chơi cùng các bạn. Vậy mà tại sao??? Có phải con là khuyết tật?”. Tôi biết chị là một người rất giỏi chị đã từng là một cô giáo, nhà chị không nghèo nhưng chị rất khổ vì chị có 2 cháu bị khuyết tật Down. Tôi khâm phục chị khi trong nhà có tới hai người con khuyết tật nhưng chị vẫn cố gắng chăm sóc và yêu thương các con dù các em có khác biệt. Bố mẹ nào cũng vậy đều yêu thương các con vì đây là những giọt máu và là quà tặng của cuộc sống đem lại cho mỗi chúng ta. Với những cha mẹ của trẻ em khuyết tật có thể món quà này sẽ không đẹp không hoàn thiện trong con mắt của nhiều người, song với họ những cha mẹ trẻ khuyết tật thì nghĩ rằng đây là con của mình và họ có thể làm tất cả giúp con của họ được hạnh phúc.
Việc chơi đùa giữa một đứa trẻ khuyết tật
và một trẻ không khuyết tật ở đây sẽ là những bài học thực tế giúp các em cảm
thông với những gì khó khăn bạn mình gặp phải cũng như có thể giúp bạn khắc phục
những khó khăn trên. Trẻ em vốn dĩ rất ngây thơ nhưng người lớn lại cho mình
cái Quyền là bắt trẻ phải làm theo ý mình, rằng bạn này không tốt, bạn kia tốt
con không nên và nên chơi cùng. Chúng ta nói chúng ta là người đi trước và luôn
luôn Đúng? Có phải vậy không tôi nghĩ các bạn sẽ có câu trả lời. Cuộc sống đô
thị hóa làng quê cũng đang đổi thay từng ngày dường như mọi người ít đến nhà
nhau chơi hơn nên trẻ con cũng vậy các em bây giờ bạn với ti vi, máy tính và điện thoại là nhiều hơn
chơi đùa cùng các bạn. Tôi thèm nhìn cảnh trẻ con chơi quay, nhảy dây, chơi
chuyền, ô ăn quan… nhưng những thứ đồ chơi này giờ không biết có còn phù hợp với
thời đại công nghệ.
Tôi không dám nói là tất cả nhưng chúng ta
là con người và sẽ có đôi khi vô tình chúng ta có một ánh mắt hay cái nhìn thiếu
thiện cảm với người khuyết tật nói chung, hay trẻ khuyết tật nói riêng. Chúng
ta vô tình lướt qua không cho trẻ chơi cùng với trẻ khuyết tật cho dù các em có
thể các em không hoàn thiện về thể chất không được đẹp như những trẻ em không
khuyết tật. Có một điều mà tôi luôn suy nghĩ là mọi người trong đó có cả tôi
cái Quyền là bình phẩm người khác. Khi ta yêu họ thì luôn nghĩ tới những lời
hay ý đẹp để ca ngợi về họ, nhưng một khi ta đã ghét thì ta có thể tìm mọi thứ
và lí do để nhìn nhận về điểm xấu của họ. Cuộc sống trao cho ta nhiều Quyền
quá, đôi khi ta bớt đi một lời nói cay đắng thì sẽ làm mọi thứ trở nên tốt đẹp
hơn rất nhiều. Quay trở lại câu chuyện về những trẻ em khuyết tật, nếu có thể
mong những người trưởng thành chúng ta hãy dạy trẻ trao đi yêu thương, đôi khi
hãy dừng lại và cảm thông với những gia đình có trẻ khuyết tật, vẫn biết có rất
nhiều cách giáo dục con trẻ là trước tiên phải biết quan tâm đến mình song đến
cha mẹ và người thân sau đó mới đến những người trong xã hội. Nhưng chúng ta nếu
có thể đừng quá khiên cưỡng dạy trẻ sống nhiều về lí trí mà điều quan trọng là
phải sống bằng tình cảm mà hiện tại trong cuộc sống hiện nay có quá nhiều thứ
có thể làm mọi người không gần nhau trò chuyện và tâm sự hơn, chiếc điện thoại
nó thật sự quá thông minh tất cả những gì con người chúng ta cần đều có thể dễ
dàng tìm kiếm trên điện thoại hay máy tính. Con người vốn là một thực thể hoàn
hảo trong cuộc sống nhưng không thể một đứa trẻ sinh ra có thể trở thành một
thiên tài, điều quan trọng chúng ta dạy dỗ một đứa trẻ phát triển toàn diện về
Trí và Đức sẽ giúp các em trở thành một con người hoàn thiện tất cả.
✍Khương Nguyễn
(Hình ảnh: Internet)
Thông điệp muốn nhắn gửi: Hãy trao yêu thương khi chúng ta có thể dạy trẻ cách yêu thương những con người còn khó khăn hơn mình